Tìm kiếm bài viết trong Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Cao su rớt giá thảm: Tập đoàn VRG vô can, dân tự làm tự chịu

“Không bao giờ có chuyện Tập đoàn cao su Việt Nam phải chịu trách nhiệm về giá cả và tìm đầu ra cho sản phẩm cao su trong nước”.
Đó là khẳng định của ông Lê Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Giá cao su xuống thấp nhất kể từ năm 2008 tới nay, các địa phương đều khẳng định, Tập đoàn cao su Việt Nam phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, đảm bảo đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, không để người dân thiệt.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Châu- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẳng định, “tập đoàn không liên quan, dân tự làm tự chịu!”.
Không phải trách nhiệm của tập đoàn!
Ông Lê Minh Châu khẳng định: “Không bao giờ có chuyện Tập đoàn cao su Việt Nam phải chịu trách nhiệm về giá cả và tìm đầu ra cho sản phẩm cao su trong nước. Tập đoàn chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm của mình giống như những doanh nghiệp kinh doanh khác, tập đoàn chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra của chính tập đoàn”.
Điều đáng nói, dù liên tục khẳng định Tập đoàn không phải chịu trách nhiệm về đầu ra của sản phẩm và cho biết Tập đoàn chỉ hoạt động như những doanh nghiệp kinh doanh khác. Thế nhưng khi nói về tình trạng diện tích cao su ngày càng mở rộng, kêu gọi dân ồ ạt trồng, bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia Tập đoàn cao su vẫn mạo hiểm đưa cao su lên những khu vực có địa hình, khí hậu không thuận lợi.
Chỉ riêng trong năm 2013, hàng ngàn ha cao su gãy đổ do mưa bão, cao su Tây Bắc được cảnh báo không cho mủ, Tây Nguyên dân mất niềm tin tự chặt phá, dân thất thu lâm cảnh trắng tay, ngân sách thâm hụt thì Tập đoàn cao su lại viện lý do đang thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh, xã hội.
Lặp lại điệp khúc “không phải chịu trách nhiệm”, đại diện lãnh đạo Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết, “nếu chỉ làm kinh tế thuần túy vì lợi nhuận thì Tập đoàn cao su Việt Nam không mang cao su lên Tây Bắc, Campuchia, Lào. Nhưng vì trách nhiệm, vai trò chính trị, an ninh vì lao động việc làm, tập đoàn đã phải thực hiện nhiệm vụ mà tư nhân không dám làm”, vẫn ông Châu – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – nói.
Ông Châu cho biết, nói tập đoàn phải chịu trách nhiệm là không đúng nhưng tập đoàn luôn cố gắng xứng đáng với vai trò là bà đỡ cho người nông dân kể cả trong điều kiện giá cao su rớt giá. Tất nhiên, các doanh nghiệp trong nước cũng phải đảm bảo sản xuất, khai thác cao su phải đảm bảo đúng quy trình, chất lượng.
Trồng cao su để đồng hành cùng thủy điện
Một nhiệm vụ quan trọng nữa được ông Châu đề cập là trách nhiệm “đồng hành cùng thủy điện”. Theo ông Châu, việc mở rộng diện tích trồng cao su và đưa cao su lên khu vực Tây Bắc là để đồng hành cùng các dự án thủy điện. “Dự án thủy điện mở rộng, phải mở rộng diện tích trồng cao su để giúp dân định cư, tạo việc làm”.
Trong khi đó, ông Vương Quốc Thới – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết hiện nay giá cao su SVR 3L hiện đang ở mức giá rất thấp. Giá cao su thu mua của dân hiện nay chỉ còn 23 triệu đồng/tấn (thời điểm sốt giá có thể lên tới 80-90 triệu/tấn năm 2012). Nguyên nhân là do bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Điều đáng nói, trên địa bàn theo định hướng quy hoạch của Tây Ninh từ nay đến năm 2020 là khoảng 80 ngàn ha, tuy nhiên hiện nay đã vượt tới hơn 90 ngàn ha. Trong đó, chủ yếu là diện tích cao su thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam, với 70% đang cho mủ.
“Tiêu thụ là nhiệm vụ của Tập đoàn cao su Việt Nam, nên khi quy hoạch, định hướng trồng Tập đoàn phải chịu trách nhiệm về đầu ra. Địa phương chỉ tạo điều kiện để cho Tập đoàn trồng trọt”, ông Phạm Thế Hiển – Giám đốc Sở NN&PTNT Điện Biên thì khẳng định trước bối cảnh giá cao su trong nước đang chạm đáy.
Mới có mấy chục ngàn ha?
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn cao su Việt Nam lập luận, theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800.000 ha cao su nhưng đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su đã là 915.000 ha. Diện tích cao su vượt quy hoạch đa số là cao su tiểu điền, người dân tự trồng. Diện tích cao su thực tế của Tập đoàn cao su Việt Nam hiện chỉ khoảng 300.000 ha (chưa vượt quy hoạch).
Vừa qua, do biến động của thị trường cao su thế giới, giá cao su trong nước sụt giảm dẫn tới tình trạng nhiều địa phương chặt phá, chuyển đổi cây trồng “cứu” lỗ.
Ông Lê Minh Châu thản nhiên cho biết “Hiện nay đang vượt quy hoạch, dân có chặt cả trăm ngàn ha cũng không sao cả. Huống chi mới có mấy chục ngàn?”.
Theo vị lãnh đạo này, cao su nhân tạo trong tương lai là không gì có thể thay thế, trong một vài năm nữa chắc chắn giá cao su sẽ lên.
“Khi đánh giá cao su không thể đánh giá 1-2 năm mà phải đánh giá cả một chu kỳ 20 năm. Đầu tư vào cao su là phải có chiến lược không phải lướt sóng. Dù giá cao su có xuống nữa tập đoàn cũng không sao”, ông Châu nói.
Thế nhưng,trong bối cảnh cao su đang bị xuống thấp ông Lê Minh Châu cho biết, Tập đoàn cao su Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Công nghiệp, nhằm đánh giá lại thị trường tiêu thụ, cơ cấu lại các dòng sản phẩm. Với phương trâm sản xuất những gì thị trường cần chứ không phải sản xuất những gì mình có.
Nói về thị trường truyền thống, ông Châu cho biết sản phẩm của Tập đoàn cao su Việt Nam không bị phụ thuộc bất cứ riêng một thị trường nào, kể cả Trung Quốc. Hiện sản phẩm cao su của Tập đoàn xuất sang Trung Quốc chỉ khoảng 300 ngàn tấn/năm (chiếm khoảng 25-30%), số còn lại là cao su tiểu điền.

Theo Dân Việt