Tìm kiếm bài viết trong Blog này

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Tỷ phú Darwin Deason với 7 lời khuyên dành cho chủ doanh nghiệp


Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, khởi nghiệp với 50 USD vay của cha mình và chiếc Pontiac đời 1949, Darwin Deason trở thành tỉ phú thế giới với trị giá tài sản hiện tại là 1,1 triệu USD.

Tỷ phú Darwin Deason
Darwin Deason là người sáng lập đồng thời là CEO của công ty Affiliated Computer Service (ACS) từ năm 1988 đến tháng 2/1999. Nhờ vào số tiền thu được sau khi bán ACS cho công ty Xerox vào năm 2009, Darwin Deason đã lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới.
 Nổi tiếng với thói quen “luôn bon chen giành lấy”, Darwin Deason đưa ra 7 lời khuyên cho chủ doanh nghiệp như sau:
1. Chọn điều mình thích và loại hình kinh doanh mà bạn muốn thực hiện. Riêng tôi, tôi không thích kinh doanh bán lẻ. Tôi là người thích đi săn cơ hội kinh doanh hơn là ngồi yên một chỗ và chờ đợi khách hàng tìm đến mua hàng.
2. Để đạt được thành công, bạn phải sẵn lòng làm việc cật lực, bất kể giờ giấc. Chỉ có rất ít chủ doanh nghiệp vừa thành công trong kinh doanh vừa có được gia đình hạnh phúc. Nếu đối với bạn thành công là có được một gia đình hạnh phúc, có thời gian chơi trò chơi cùng con cái hay tham dự chương trình văn nghệ của chúng ở trường thì tôi khuyên bạn không nên trở thành chủ doanh nghiệp.
3. Luôn biết giành lấy. Ghi nhớ điều này để bạn có thể giành lấy những cơ hội tốt nhất cho mình. Thường thì những điều tốt đẹp cũng sẽ đến với những ai biết kiên nhẫn chờ đợi; tuy nhiên những cơ hội đó chỉ là phần thừa còn lại của những người dám giành lấy.
4. Luôn tỉnh táo để nhận ra bước ngoặt trong cuộc đời. Ở tuổi 25, sau khi gặp rắc rối với cấp trên, tôi đã nhận ra rằng chỉ có làm chủ cho chính mình thì tôi mới thật sự thành công. Khoảnh khắc đó chính là bước ngoặt của đời tôi. Bỏ việc ngay ngày hôm đó, tôi bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh của mình.
5. Phải chắc rằng những người nhân viên được bạn thuê phải thông minh hơn bạn. Trọng thưởng hậu hĩnh cho họ khi đạt được chỉ tiêu đề ra. Các nhân viên của bạn không thể làm việc hết mình nếu không biết họ sẽ được gì sau đó.
6. Luôn bảo đảm có đủ nguồn vốn cho công việc kinh doanh của mình. Phần lớn các doanh nghiệp phá sản chỉ vì không đủ vốn để xoay vòng.
7. Hãy quyết định xem bạn có thể tự kinh doanh hay cần phải có người hợp tác. Một khi quyết định cần có người hợp tác, phải chắc chắn rằng bằng mọi cách, quyền kiểm soát nằm trong tay bạn.
NGỌC HÀ
Theo Infonet

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

7 lý do bạn cần viết ra những ý nghĩ


"Hãy viết ra những ý nghĩ nảy đến trong khoảnh khắc bất chợt. Những ý tưởng không tính trước như vậy thường giá trị nhất."- Francis Bacon - một triết gia của thế kỷ 16 và là cha đẻ của Chủ nghĩa duy vật Anh và các ngành khoa học thực nghiệm hiện đại - đã từng khuyên như vậy.

Tại sao vậy? Dưới đây là 7 lý do thuyết phục khiến bạn cần viết ra những ý nghĩ:

1. Nếu bạn giống như mọi người, trí nhớ của bạn cũng hệt như chiếc xô thủng

Chỉ khi bắt đầu ghi lại các ý nghĩ, bạn mới nhận ra trí nhớ mình đã rò rỉ ghê gớm thế nào khi xem lại những điều đã chép lại. Trí nhớ của ta không hề đáng tin cậy. Mỗi lần nhớ lại sự việc nào đó, thường thì ta sáng tạo thêm về điều đã xảy ra hơn là “bật” lại đoạn “phim” trong kho lưu trữ tinh thần. Việc sáng tạo này bắt nguồn từ hàng loạt các nguyên nhân như những tín điều, tâm trạng cảm xúc và bản năng tự tôn về cái tôi của mỗi người.

Những gì bạn nhớ về một sự kiện có thể khác rất xa với những điều người khác nhớ. Có những cách lý giải khác nhau về thực tiễn đời sống. Và ngay cả khi bạn đã cố gắng nhớ cách lý giải của một sự kiện nào đó thì về sau, cách hiểu này vẫn có thể thay đổi. Vì thế, chúng ta cần một hệ thống khác hỗ trợ ở bên ngoài ta.

2. Những ý tưởng thường không tồn tại lâu

Những ý tưởng hay ho có thể nảy sinh trong các thời điểm lạ lùng nhất và chúng thường không ở lại lâu trong tâm trí bạn. Vì thế, bạn cần nắm lấy chúng thật nhanh, nếu không chúng sẽ biến đi mau chóng.

3. Viết ra những mục tiêu là việc rất quan trọng

Có một điều mà rất nhiều chuyên gia dạy cách tư duy tích cực như Brian Tracy, Zig Ziglar vẫn sẽ còn tiếp tục đề cập tới chính là tầm quan trọng của việc viết ra những mục tiêu của bạn. Một mục tiêu được viết ra sẽ đem lại sự rõ ràng và tập trung. Nó giúp bạn có sự định hướng. Và khi đã viết ra những mục tiêu, bạn sẽ không chỉ khẳng định lại những mục tiêu của bạn là gì, mà còn hiểu sâu sắc thêm những gì có thể giúp bạn rành mạch và tập trung hơn với mục tiêu đó cũng như cuộc sống.

Một mục tiêu khi đã được viết ra sẽ trở thành cách nhắc nhở hữu hiệu giúp bạn luôn định hướng bản thân đi đúng đường ngay cả khi căng thẳng, dễ đưa ra những quyết định sai lầm.

4. Nhắc nhở mình về những điều cần tập trung

Thường thì chúng ta dễ bị cuốn theo những sự vụ hàng ngày mà quên mất điều gì là quan trọng nhất với mình. Để giữ cho bản thân đi đúng hướng, thay vì để mình bận rộn với những điều không quá quan trọng, bạn hãy viết ra một lời nhắc nhở có thể ngăn chặn những suy nghĩ này khi đọc nó và giúp bạn trở lại với mục tiêu chính đáng. Chẳng hạn, bạn có thể ghi ngay ra mục tiêu lớn nhất hiện thời của mình. Cũng có những câu nói mang tính nhắc nhở kiểu như: “Hãy giữ cho mọi thứ thực sự đơn giản”, và “điều quan trọng nhất mình cần phải làm ngay là gì?”. Hãy viết ra lời nhắc nhở như thế và dán chúng ở những nơi bạn sẽ nhìn thấy mỗi ngày.

5. Giảm bớt thông tin cho bộ nhớ tạm của não

Khi bạn không còn bắt trí óc phải ghi nhớ mọi điều vụn vặt, ví như việc phải uống bao nhiêu sữa mỗi ngày, bạn sẽ bớt căng thẳng hơn và theo đó, suy nghĩ cũng minh bạch hơn. Điều này là một trong những lý do quan trọng nhất để viết ra ý nghĩ của bạn. Trạng thái thư thái và thoải mái hơn không những cải thiện tình trạng sức khỏe, mà còn khiến cuộc sống của bạn dễ dàng, suôn sẻ và hiệu quả hơn.

6. Tư duy sáng suốt hơn

Bạn không thể giữ quá nhiều ý nghĩ trong đầu cùng một lúc. Nếu bạn muốn giải quyết một vấn đề, việc viết ra những suy nghĩ, thực tế và cảm giác về vấn đề ấy sẽ tốt hơn nhiều. Khi đầu óc bạn không phải nhớ quá nhiều thứ, bạn có thể suy nghĩ sáng suốt hơn. Thêm nữa, việc viết ra những điều đó sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và dễ dàng tìm thấy các mối liên hệ mới trong sự việc, giúp bạn giải quyết được vấn đề.

7. Hiểu bản thân và cuộc sống tốt hơn, đồng thời cải thiện những mục tiêu lâu dàiBạn có thể dùng nhật ký như một cách để quan sát suy nghĩ của mình trong một quãng thời gian dài và nhận ra cả những điều tích cực lẫn tiêu cực trong suy nghĩ cũng như hành động.

Chẳng hạn, bạn có thể vẫn nghĩ mình là người khỏe mạnh, nhưng bạn sẽ nhận ra không phải thế nếu đọc nhật ký và biết bạn chỉ mới chạy bộ được 4 lần trong tháng này. Hay bạn vẫn cho rằng cuộc sống của mình đang tiến triển khá tốt nhưng rồi lại phát hiện không phải thế khi đọc những dòng ghi chép trong tháng trước cho thấy bạn tỏ ra mệt mỏi với công việc và mối quan hệ tình cảm suốt nhiều ngày trời.

Bằng việc viết ra như thế, bạn sẽ tự giúp mình vượt qua khó khăn và điều chỉnh bản thân trong một khung thời gian rộng hơn. Cuốn nhật ký cũng có thể sẽ nói với bạn về việc bạn chưa dành nhiều quan tâm cho bản thân cũng như cuộc sống của mình. Và như thế, điều này có thể được nhìn ra khá minh bạch.

Vậy đó, trên đây là 7 lý do quan trọng nhất cho thấy vì sao bạn nên viết ra mọi ý nghĩ. Còn việc làm thế nào để nắm bắt kịp thời những ý tưởng? Điều đó tùy thuộc vào chính bạn.

xaluan.com